Thứ Tư, 14 tháng 10, 2015

Lập lại lịch sử người Việt đã không thể vượt qua được người Thái

Người hâm mộ đặt rất nhiều niềm tin vào đội tuyển VIệt Nam nhưng lại bị thất vọng quá lớn trước chiến thắng 3-0 của đội tuyển Thái Lan dành cho đội tuyển Việt Nam như một gáo nước quá lạnh dội vào lòng tự trọng của những người yêu bóng đá đang bất lực nhìn các cầu thủ Thái Lan đến sân Mỹ Đình và “nhảy múa” trước thầy trò ông Miura.

Cứ nghe cái giọng trầm buồn của chuyên gia Nguyễn Sỹ Hiển đêm 13-10 trên sóng truyền hình cũng đủ để thấy ông “xấu hổ” và buồn nản như thế nào, dù ông Hiển cũng có chân trong Hội đồng HLV quốc gia.

Ông Hiển nói: “Phải thừa nhận, họ hơn chúng ta về đẳng cấp. Đây không chỉ là trận thua đau của đội tuyển Việt Nam mà là cái thua của một nền bóng đá.

Chúng ta không cần phải học đâu xa mà học từ chính người Thái. Học cách chuẩn bị cho một trận đấu, học cách ứng xử và học cả cái cách mà những quan chức LĐBĐ Thái Lan bỏ ghế để đi học những nền bóng đá tiên tiến, rồi ứng dụng vào để làm thay đổi bộ mặt bóng đá chuyên nghiệp của mình cùng với những chiến lược cụ thể đề ra…”.

Lập lại lịch sử người Việt đã không thể vượt qua được người Thái


Cá nhân tôi rất hiểu về nỗi buồn và sự bất lực của ông Nguyễn Sỹ Hiển bởi biết rằng ở cương vị của ông, có những điều ông góp ý và cả văn bản, thư tay… cho Hội đồng HLV quốc gia về những vấn đề sinh mệnh của nền bóng đá nước nhà, nhưng bị gạt đi.

Trở lại với trận đấu thua muối mặt mà các cầu thủ Thái Lan đã “nhảy múa” giữa sân Mỹ Đình với ba lần ăn mừng chiến thắng, trong đó bàn ấn định tỷ số giống hệt như bài đá ma mà thầy trò Kiatisak tập đá một chạm với nhau. Các bình luận viên VTV nói rằng nó rất giống với phong cách tiki taka của Barcelona khi mà khoảng chục cú một chạm trong phạm vi hẹp giữa rừng áo đỏ để kết thúc bằng cú cài người rất khéo của đội trưởng Bunmathan, rồi tung cú sút tung nóc lưới Nguyên Mạnh.

Bàn thắng đó đã hủy diệt ý chí của thầy trò HLV Miura bởi nó thể hiện sự vượt trội về đẳng cấp và khẳng định cho lời phát biểu của HLV Kiatisak khi đặt chân xuống sân bay Nội Bài là sự thật được đúc kết từ một quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng cho một trận đánh quyết định.

Ngay cả bàn mở tỉ số của Thawikan cũng cho thấy sự cao cơ của thầy trò Kiatisak. Họ cố tình dồn hết hỏa lực về hành lang trái, hút hết các hậu vệ chăm chăm kèm người lẫn lao lên cắt bóng nghiêng về biên đấy, rồi bất thần nhả bóng vào khoảng trống giữa sân để Thawikan có đủ không gian lần thời gian với ba lần chạm bóng gồm khống chế, gạt qua một trung vệ và tung chân trái đưa qua bóng vào góc ê-ke.

Một chiến thắng mà toàn đội Thái Lan chơi thứ bóng đá nhẹ nhàng lúc nhanh, lúc chậm như điều tiết được trận đấu theo ý mình. Thậm chí là họ không hùng hục, nhưng khi mất bóng thì việc truy đuổi và săn bóng của họ cũng đạt hiệu suất cao hơn rất nhiều so với học trò ông Miura.

Với trận thua trên có lẽ cũng đừng nên xét nhiều đến yếu tố con người, hay vai trò nhà cầm quân, bởi nói như chuyên gia Nguyễn Sỹ Hiển thì đấy là cái hơn của một nền bóng đá, của một chiến lược làm bóng đá một cách nghiêm túc và bài bản.

Lịch sử các cuộc đối đầu, đội tuyển bóng đá Việt Nam mới chỉ thắng Thái Lan hai lần trong giải đấu chính thức và cả hai đều từ lối chơi bất ngờ cho đội bóng luôn được đánh giá là kèo dưới. Đó là thời HLV Alfred Riedl (bán kết Tiger Cup 1998) và Henrique Calisto (chung kết lượt đi AFF Suzuki Cup 2008).

Trong hai trận thắng “lịch sử”, chúng ta đã lấy ý chí, tinh thần và cả sự may mắn để san lấp những khoảng trống. Tiếc thay là những lần vượt qua người Thái hiếm hoi ấy lại khiến những nhà làm bóng đá Việt chủ quan hơn với kế hoạch và chiến lược cần thiết.

Nên nhớ, cái đích của bóng đá Thái Lan là đuổi kịp các cường quốc trong châu lục, là nhắm đến sân chơi xa hơn. Nó hoàn toàn khác hẳn với ta chỉ chăm chăm với cách đánh bại Thái Lan để lên ngôi số 1 Đông Nam Á, hay vừa có một lứa U.19 nổi đình nổi đám là vội tuyên bố sẽ đi dự vòng chung kết World Cup.

Ông Nguyễn Sỹ Hiển đã chia sẻ rất đúng khi nhìn nhận rằng bóng đá Việt Nam cần có những người học người Thái bỏ cái ghế hiện hữu (chức Tổng thư ký LĐBĐ Thái Lan) để đi tìm giá trị thực của bóng đá Thái bằng những bài học thiết thực từ những nền bóng đá tiên tiến và ứng dụng vào bóng đá Thái Lan.

Cái thua 0-3 muối mặt được xem là cái thua của một nền bóng đá diễn ra đúng vào ngày LĐBĐ Việt Nam tổ chức Hội nghị Ban chấp hành VFF liệu có đủ để lòng tự trọng của những người làm bóng đá được đánh thức?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét